Bằng đại học đã không ghi loại hình đào tạo, giờ không ghi mục xếp loại nữa sao?

Bằng đại học sẽ không còn ghi loại hình đào tạo và có thể sẽ bỏ ghi mục xếp loại học tập

Bằng đại học sẽ không còn ghi loại hình đào tạo và có thể sẽ bỏ ghi mục xếp loại học tập

Làm sao có thể nhận ra những người tốt nghiệp thủ khoa hệ chính quy với những người chỉ cần ghi danh là học đại học hệ không chính quy và ra trường bình thường?
Theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi thì từ ngày 01/7/2019 trên các văn bằng đại học sẽ không còn ghi loại hình đào tạo. Như vậy, hệ đào tạo chính quy và không chính quy đều đã có giá trị như nhau.

Ngày 03/10/2019, trên Cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Thông tư Ban hành Quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học để lấy ý kiến.

Trong Dự thảo của Thông tư này thì các mục ghi trên văn bằng đại học không còn mục xếp loại đạt được của sinh viên nữa. Nếu được chính thức thông qua thì trong tương lai những sinh viên đạt được kết quả xuất sắc cũng sẽ giống như những sinh viên đạt kết quả trung bình!

Dù ai cũng biết rằng đánh giá năng lực của một con người thì tấm bằng, kết quả đạt được trong quá trình học đại học chưa phải là vấn đề cốt lõi. Điều quan trọng nhất là khả năng cống hiến và mức độ hoàn thành công việc mới là quan trọng.

Nhưng, việc công nhận hệ đào tạo chính quy và không chính quy, bỏ ghi kết quả học tập của sinh viên trên văn bằng trong khi mà chúng ta chưa quản lý tốt chất lượng giáo dục đại học, cách tuyển dụng của một số cơ quan nhà nước còn có những tiêu cực thì nó sẽ dẫn đến hệ lụy không hề nhỏ cho xã hội.

Những bất cập giữa việc đào tạo chính quy và không chính quy.

Có nhiều người cho rằng tấm bằng chỉ là giấy thông hành, quan trọng nhất là năng lực và mức độ hoàn thành công việc mới là quan trọng.

Thế nhưng, trong thực tế của nhiều cơ quan nhà nước ở các địa phương, ban ngành của chúng ta thời gian qua đã phát hiện ra hàng loạt trường hợp cán bộ, đảng viên sử dụng tấm bằng giả để thăng tiến thì tấm bằng hệ không chính quy lại là mối lo cực lớn cho xã hội.

Mấy ngày nay, dư luận cả nước lại ngỡ ngàng với chuyện bà Trần Thị Ngọc Thảo (sinh năm 1975) đã mượn tên, mượn bằng của chị gái mình là bà Trần Ngọc Ái Sa (sinh năm 1973) để học tập thăng tiến.

Điều đáng nói là bà Trần Thị Ngọc Thảo mới học xong cấp 2 nhưng sau khi mượn tấm bằng của chị gái mình thì bà Thảo đã học xong đại học, cao học và trở thành Trưởng phòng Quản trị (thuộc văn phòng tỉnh ủy Đắk Lắk).

Từ năm 2005-2011, bà Thảo xin vào làm kế toán ở Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk. Tháng 10/2009, Văn phòng Tỉnh ủy tiếp nhận bà Thảo về làm kế toán ở Phòng quản trị của Văn phòng Tỉnh ủy. Trong vòng 3 năm từ 2013-2016, bà Thảo lần lượt được bổ nhiệm qua chức vụ Phó phòng và Trưởng phòng Quản trị.

Việc người dân cố gắng trong học tập là điều đáng quý nhưng điều đáng nói đối với bà Thảo là từ một người không học cấp 3 vẫn có thể thi đỗ và học xong đại học, cao học thì thử hỏi hệ đào tạo đại học không chính quy đã thực sự tạo được sự yên tâm về chất lượng đào tạo hay chưa?

Vậy nhưng, bà Thảo đã có hàng chục năm công tác ở Văn phòng tỉnh ủy Đắk Lắk và đã yên vị ở vị trí Trưởng phòng. Nếu sự việc này không bị phát giác thì có lẽ tương lai của bà Thảo đang còn khá hanh thông ở đường quan lộ. Bởi bà đang còn mười mấy năm nữa mới đến tuổi về hưu!

Và, trường hợp như bà Thảo trong thời gian qua chúng ta đã thấy báo chí phản ánh quá nhiều, nó không còn là trường hợp cá biệt nữa.

Bây giờ, Bộ lại muốn không ghi kết quả đào tạo trên văn bằng!

Ngày 03/10/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư Ban hành Quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học trên website của mình. Tại điều 2 của dự thảo này thì chúng ta thấy không còn mục ghi “xếp loại” của văn bằng nữa. Các mục ghi trong văn bằng mà Bộ nêu trong dự thảo như sau

1. Tiêu đề: CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM;

2. Tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo (bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ);

3. Tên cơ sở giáo dục cấp văn bằng;

4. Họ, chữ đệm, tên của người được cấp văn bằng;

5. Ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng;

6. Quốc tịch của người được cấp văn bằng;

7. Ngành đào tạo;

8. Địa danh, ngày tháng năm cấp văn bằng;

9. Họ, chữ đệm, tên, chức danh, chữ ký của người có thẩm quyền cấp văn bằng và đóng dấu theo quy định;

10. Số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng.

Như vậy, nếu văn bản này được thông qua thì mục xếp loại: xuất sắc hay giỏi, khá, trung bình như hiện nay nữa sẽ không còn nữa. Không ghi kết quả đào tạo trên văn bằng cũng có nghĩa là sẽ cào bằng tất cả.

Loại hình đào tạo đã không ghi rồi bây giờ mà thêm không ghi kết quả học tập trên văn bằng thì người xuất sắc cũng giống như người học hành chểnh mảng có kết quả trung bình.

Khi không xếp loại văn bằng cũng đồng nghĩa sinh viên cũng không cần phải quá cố gắng để đạt được loại học lực nào vì ra trường thì bằng cấp cũng như nhau.

Chỉ cần học làng nhàng, thậm chí là xin vào làm một nhân viên hợp đồng tại một cơ quan nào đó, sau đó học tại chức, từ xa nhưng nếu có “lợi thế” cũng dễ dàng thăng tiến.

Tương lai, những người như bà Trần Thị Ngọc Thảo ở Đắk Lắk mà báo chí đang phản ánh trong những ngày qua sẽ càng nhiều hơn.

Liệu việc đào tạo giáo dục đại học trong tương lai có tháo khoán hay không? Làm sao có thể nhận ra những người tốt nghiệp thủ khoa hệ chính quy với những người chỉ cần ghi danh là học đại học hệ không chính quy và ra trường bình thường?

Làm sao có thể nhận ra những sinh viên ngày đêm miệt mài học tập để có kết quả tốt với những sinh viên học hành làng nhàng thi chỉ cần qua môn để đủ điều kiện tốt nghiệp?

Lẽ nào giáo dục đại học lại đang đi thụt lùi so với trước đây hay sao?

Tác giả bài viết: Đào Việt Hùng

Nguồn tin: NHẬT DUY