Công nghiệp hóa: Không có con đường nào khác ngoài đầu tư cho giáo dục đại học
- Thứ hai - 24/06/2024 23:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trước cánh cổng Trường Đại học Nam Phi, câu nói nổi tiếng của Tổng thống Nelson Mandela được trích dẫn đầy trang trọng: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi”. Kỳ thực, thực tiễn lịch sử đã chứng minh, giáo dục và đào tạo đóng vai trò quan trọng dẫn đến tồn, vong, suy, thịnh của mọi quốc gia, dân tộc. Trong đó, giáo dục đại học đóng vai trò then chốt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thể hiện tầm vóc, trí tuệ con người của quốc gia đó.
Cùng với công cuộc đổi mới đất nước, đến nay, giáo dục đại học Việt Nam đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả về chất và lượng, tầm vóc và vị thế, từng bước ghi danh trên bản đồ các trường đại học hàng đầu thế giới. Song, hệ thống giáo dục đại học nước ta cũng đang còn tồn tại nhiều điểm nghẽn cần phải khơi thông để phát triển. Trong đó, nguồn lực, cơ chế tài chính cho giáo dục đại học được xem là vấn đề lớn nhất hiện nay.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tiên phong trong thực hiện cơ chế tự chủ
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là một trong những cơ sở giáo dục đại học đầu tiên trên cả nước tiên phong thực hiện cơ chế tự chủ đại học theo Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ (về việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017). Đặc biệt, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là trường đại học đầu tiên được Chính phủ giao thí điểm vận dụng cơ chế đặc thù, đó là được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói chuyện với sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ngày 19/3/2024. Ảnh: PTIT
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, thực tế vấn đề tự chủ theo cơ chế doanh nghiệp đã được Học viện thực hiện từ trước đó, khi còn trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Chính vì vậy, năm 2016, sau khi chuyển về Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, việc vận dụng cơ chế tài chính doanh nghiệp trong hoạt động tại Học viện được duy trì “một cách tự nhiên”.
Theo đó, Học viện chủ trương thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo vị trí việc làm và hiệu quả công việc từ sớm, trong khi các cơ sở giáo dục khác vẫn duy trì việc trả lương theo ngạch bậc, hệ số lương nhà nước. Một cuộc cách mạng trong thực hiện chi trả lương đã được triển khai: Giảng viên, cán bộ quản lý được đào tạo bài bản, chuyên môn tốt, có ngoại ngữ,... đảm bảo có thu nhập cao, cạnh tranh mà không cần đến thâm niên công tác. Trong khi đó, với những giảng viên, cán bộ quản lý lớn tuổi, có thâm niên công tác nhưng hạn chế về ngoại ngữ, không cập nhật kiến thức mới,... thu nhập sẽ hạn chế hơn.
Vị lãnh đạo cho biết, thời gian đầu khi mới thực hiện cơ chế trả lương mới, không ít giảng viên, cán bộ quản lý tâm tư vì thu nhập giảm đi, song những khó khăn về tư tưởng bước đầu đã dần được khắc phục. Việc áp dụng cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp giúp cán bộ, giảng viên có động lực để thực hiện tốt hơn công việc được giao. Bên cạnh đó, việc này cũng giúp Học viện tối ưu hóa các nguồn lực tốt hơn.
“Hiện nay, nhà trường đã tự cân đối được thu chi có tích lũy. Bên cạnh việc đảm bảo chế độ, thu nhập đối với người lao động để giữ chân, thu hút được ngày càng nhiều các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên giỏi, Học viện cũng đảm bảo được nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước hiện đại hoá môi trường học tập và nghiên cứu.
Sau gần 10 năm thực hiện thí điểm tự chủ, Học viện đã tăng trưởng mạnh cả về quy mô, chất lượng đào tạo và vị thế của nhà trường trong hệ thống giáo dục đại học”, lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chia sẻ.
Song, bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng chỉ ra một số khó khăn trong thực tiễn. Chẳng hạn như ở giai đoạn đầu thực hiện, khi không còn ngân sách đầu tư từ nhà nước, hầu như các cơ sở giáo dục không có nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện mua sắm lớn, các hỗ trợ cho sinh viên cũng bị giảm đi. Đến nay, sau khi Nghị định 60/2021/NĐ-CP được ban hành, những khó khăn này mới dần được khắc phục thông qua việc nhà nước thực hiện cấp vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Bên cạnh đó, một khó khăn nữa là việc tích lũy để đầu tư phát triển mạnh trong tương lai từ nguồn thu hiện nay còn hạn chế, trong khi huy động các nguồn vốn đầu tư khác còn gặp nhiều khó khăn.
Tự chủ đại học không đồng nghĩa với giảm đầu tư của nhà nước
Nguồn thu của cơ sở giáo dục đại học chủ yếu đến từ 3 nguồn chính: ngân sách nhà nước (đối với các trường công lập, đó có thể là cấp chi thường xuyên, chi đầu tư cho các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu, bồi dưỡng cán bộ…); học phí và các nguồn thu hợp pháp khác, bao gồm hợp tác với doanh nghiệp, các nguồn tài trợ từ bên ngoài, các tổ chức, cá nhân…
Tuy nhiên, nhìn chung bức tranh tài chính của hầu hết các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào học phí, với tỷ trọng lên tới 80-90%. Đây cũng là thực tế tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Lãnh đạo Học viện chia sẻ, mặc dù học phí đang là nguồn thu chính, song những năm qua, nhà trường vẫn đang không ngừng nỗ lực để đa dạng hóa các nguồn thu. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất chính là củng cố, nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời đa dạng các loại hình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đây là giải pháp mang tính căn cơ, bền vững và lâu dài, nhằm xây dựng thương hiệu và uy tín đơn vị, qua đó giúp từng bước tăng quy mô đào tạo hiệu quả. Ngoài ra, kết hợp với các doanh nghiệp để tăng cường cơ sở vật chất, gia tăng các nguồn vốn hỗ trợ sinh viên; phát triển nghiên cứu các sản phẩm công nghệ, nghiên cứu chuyển giao,...
Tuy nhiên, vị lãnh đạo cũng thừa nhận, việc khai thác nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở các cơ sở giáo dục đại học nước ta còn khá hạn chế. Nguyên nhân do hệ sinh thái hấp thụ các kết quả nghiên cứu của trường đại học chưa nhiều. Cụ thể, đa số các doanh nghiệp ở nước ta là doanh nghiệp nhỏ và vừa, do đó chưa đủ mạnh để chấp nhận những rủi ro trong nghiên cứu. Bên cạnh đó, đa số các trường đại học mới chỉ chú trọng đến giảng dạy, trong khi đó nhiệm vụ nghiên cứu khoa học vẫn chưa được quan tâm và chú trọng đúng mức.
Chưa kể, thực tế hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học hiện cũng có những áp lực. Đó là bên cạnh những nghiên cứu có tính ứng dụng đòi hỏi đi vào cuộc sống ngay thì trường đại học còn có sứ mệnh quan trọng là phải có những nghiên cứu cơ bản, đón đầu, dẫn dắt, mang tính dài hơi 3-5 năm hoặc lâu hơn, chấp nhận nhiều rủi ro, nhưng chính những nghiên cứu này nhìn rộng ra sẽ thể hiện tiềm lực vị thế của quốc gia trong tương lai. Tuy nhiên, việc tự chủ toàn bộ khiến nhiệm vụ nghiên cứu khoa học dài hơi hiện nay bị hạn chế. Vì vậy, đối với các trường đại học tự chủ cần có sự điều tiết, hỗ trợ của nhà nước, tập trung nguồn lực, kết hợp doanh nghiệp để có được đội ngũ chuyên gia xuất sắc và những nghiên cứu đẳng cấp quốc tế.
Lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đánh giá, đây cũng có thể coi là mặt trái của tự chủ các trường đại học, mặc dù chất xám cao nhưng vì “cơm áo gạo tiền” nên chưa chú trọng cho những nghiên cứu “dài hơi, xứng tầm và đẳng cấp”.
Cùng với nguồn thu từ học phí, hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác quốc tế,... ở một số quốc gia phát triển, đặc biệt ở Mỹ, trường đại học còn khai thác được một nguồn lực khá lớn thông qua hoạt động hiến tặng (tiền, hiện vật hoặc phi vật chất…). Đơn cử như Đại học Harvard hiện đang có quy mô quỹ hiến tặng đứng đầu thế giới với khoảng hơn 50 tỷ USD.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, hoạt động này vẫn chưa phát triển và được chú trọng. Các hoạt động hiến tặng chủ yếu thông qua học bổng với những tài trợ còn mang tính nhỏ lẻ.
Lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng, nguyên nhân chính khiến văn hóa hiến tặng chưa được hình thành mạnh mẽ ở nước ta, một phần do các doanh nghiệp của Việt Nam còn rất “trẻ” so với thế giới, chưa có đủ sự tích lũy bền vững cho phát triển. Vì vậy, số doanh nhân, doanh nghiệp ở Việt Nam đủ lực chi một khoản lớn cho giáo dục không nhiều.
Bên cạnh đó, những lo ngại về tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng các khoản tài trợ cũng là rào cản khiến các nhà tài trợ e dè và chưa thực sự “mạnh tay” hiến tặng. Ngoài ra, những rào cản về thủ tục, quy trình hiến tặng, chính sách thuế,... cũng là nguyên nhân khiến việc hiến tặng cho giáo dục chưa phổ biến ở nước ta.
Chính vì vậy, để thúc đẩy văn hóa hiến tặng cho giáo dục, cần có chính sách khuyến khích, thúc đẩy mạnh mẽ từ phía nhà nước thông qua chính sách miễn trừ thuế, vinh danh,... Đồng thời, phải đảm bảo quy trình minh bạch việc sử dụng các khoản tài trợ để tạo được niềm tin cho các nhà hảo tâm.
Khẳng định những nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu trong bối cảnh tự chủ đại học của cơ sở giáo dục là cần thiết, song, lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng điều này không thể thay thế vai trò đầu tư của nhà nước. Để giáo dục đại học phát triển và nâng cao chất lượng bền vững, đầu tư tài chính từ ngân sách nhà nước đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Thực tế ở nhiều quốc gia trên thế giới, ngân sách nhà nước chiếm phần lớn nguồn thu chứ không phải học phí. Theo thống kê của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tỷ lệ ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học chiếm hơn 70%. Thậm chí, một số nước như Iceland, Đan Mạch, Na Uy chi từ ngân sách nhà nước chiếm trên 90% nguồn thu của các trường đại học.
Mặc dù Mỹ vốn nổi tiếng là nước có đa dạng nguồn tài trợ cho giáo dục đại học, nhưng tỷ lệ ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học ở quốc gia này vẫn chiếm từ khoảng 30-40%. Tương tự, tại một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, tỷ lệ này cũng chiếm từ 30-40%.
Trong khi đó, tại Việt Nam, mức đầu tư ngân sách của nhà nước cho giáo dục đại học lại ngày càng giảm. Cụ thể, theo báo cáo của nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới, năm 2017, ngân sách nhà nước cấp phát chiếm 24% tổng thu của các trường đại học công lập trong khi học phí đóng góp 57% và 19% còn lại đến từ các nguồn khác (như R&D, chuyển giao công nghệ và các dịch vụ khác). Đến năm 2021, nguồn thu từ học phí đã tăng vọt từ 55% lên 77% và ngân sách nhà nước cấp phát giảm xuống chỉ còn tương đương 9%.
Theo vị lãnh đạo, thực hiện tự chủ đại học không đồng nghĩa với giảm đầu tư của nhà nước, mà chỉ là thay đổi cách đầu tư của nhà nước cho giáo dục đại học. Đầu tư cho giáo dục đại học là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước, vì vậy, nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ, đầu tư tương xứng.
Do đó, lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đề xuất nhà nước đẩy mạnh đầu tư thông qua chính sách đặt hàng, đấu thầu các đề tài, nhiệm vụ khoa học dựa trên tiêu chí công bằng và xuất sắc.
Tài chính giáo dục đại học: Cần thay đổi cả về con số đầu tư và cách thức đầu tư
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô cũng cho rằng nhà nước cần đóng vai trò chính trong đầu tư phát triển giáo dục đại học.
“Muốn trở thành một nước công nghiệp thực sự thì bắt buộc phải đầu tư cho giáo dục đại học, không có con đường nào khác. Bởi giáo dục đại học là trụ cột của nền kinh tế, đóng vai trò cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra tri thức và chuyển giao tri thức vào xã hội”, Tiến sĩ Phạm Hiệp nhấn mạnh.
Thực tế hiện nay, nguồn lực đầu tư cho giáo dục ở nước ta còn rất thấp so với yêu cầu phát triển. Đối sánh với khu vực và thế giới, tỷ trọng chi đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 so với mức trung bình của khu vực.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Phạm Hiệp cũng chỉ ra một số hạn chế trong phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta hiện nay. Cụ thể, tiêu chí phân bổ ngân sách hiện nay chưa gắn với năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ sở đào tạo đại học mà chủ yếu mới chỉ dựa trên khả năng của ngân sách và các yếu tố đầu vào (quy mô, số lượng sinh viên; số lượng nhân viên; lịch sử phân bổ ngân sách nhà nước các năm trước…). Việc phân bổ ngân sách thông qua các cơ quan chủ quản khác nhau nên không có sự thống nhất về tiêu chí, và chưa thực sự công bằng trong thụ hưởng; việc phân mảnh trong đầu tư như hiện nay cũng tạo nên khó khăn trong việc tổng hợp dữ liệu để tổng kết, đánh giá hiệu quả đầu tư.
Cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ và đấu thầu đối với một số ngành thiết yếu chưa được thực hiện, hoặc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn; chính sách tín dụng sinh viên đã nâng mức cho vay nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh viên, chưa kể lãi suất vay còn khá cao, thời hạn trả nợ ngắn và đối tượng vay còn hạn chế,...
Tiến sĩ Phạm Hiệp bày tỏ, bức tranh chung về tài chính giáo dục đại học nước ta hiện nay là ngân sách đầu tư nhà nước ngày càng hạn hẹp, và nguồn thu tài chính của các trường ngày càng lệ thuộc vào học phí. Về lâu dài, cách hoạt động này sẽ không thể đem lại sự bứt phá trong phát triển, bởi nguồn thu từ học phí không mang tính bền vững và ổn định. Do đó, để giáo dục đại học phát triển bền vững và bứt phá, nhất thiết phải thay đổi cả về con số đầu tư và cách thức đầu tư.
Về con số đầu tư, Tiến sĩ Phạm Hiệp kiến nghị cần đảm bảo ngân sách chi cho giáo dục phải đảm bảo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước như đã nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Luật Giáo dục năm 2019.
Thực tế trong 10 năm qua, ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo ở nước ta mới chỉ đạt mức 15-19%, chưa năm nào đạt mức tối thiểu là 20% như mục tiêu đã đề ra. Do vậy, chuyên gia kiến nghị cần thực hiện chi đủ như cam kết, trong đó ưu tiên chi cho phát triển giáo dục đại học.
Về cách thức đầu tư, Tiến sĩ Phạm Hiệp đề xuất thành lập một ủy ban về giáo dục đại học cấp quốc gia. Ủy ban này hoạt động độc lập với các bộ, ban, ngành, với nhiệm vụ đánh giá kết quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời thực hiện việc cấp ngân sách cho các đơn vị dựa trên kết quả đánh giá hoạt động đó.
Việc cấp ngân sách có thể mở rộng thời gian thành 3 năm/lần, nhằm tạo điều kiện cho các trường chủ động trong kế hoạch vận hành và cân đối thu chi. Bên cạnh đó, cần chú trọng hơn tới đầu tư ngân sách cho đối tượng là các cơ sở giáo dục ngoài công lập để tạo sự bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh giữa công - tư.
“Bản chất của giáo dục đại học là phục vụ lợi ích cho cộng đồng xã hội. Trường công hay trường tư thì đều nhằm mục đích cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho xã hội. Tuy nhiên hiện nay các trường đại học tư thục có rất ít cơ hội nhận đầu tư hoặc các hỗ trợ tài chính từ nhà nước. Hiện chỉ có một số nguồn hỗ trợ từ nhà nước với trường đại học tư thục như một số đề tài nghiên cứu trong khuôn khổ Quỹ Nafosted; Học bổng cho giảng viên đi học tiến sĩ ở nước ngoài, hay một số ưu đãi về thuế đất; Tín dụng sinh viên.
Những hỗ trợ này là khá khiêm tốn khi so với các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan… nơi Chính phủ có nhiều khoản đầu tư đáng kể, thậm chí cả ngân sách theo dự án cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, cấp học bổng”, chuyên gia nêu ý kiến.
Ngoài ra, Tiến sĩ Phạm Hiệp cũng đề xuất điều chỉnh chính sách tín dụng cho sinh viên vay. Trong đó, mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sinh viên. Đồng thời, điều chỉnh mức cho vay và lãi suất vay thấp hơn nhằm đảm bảo tất cả sinh viên đều có thể tiếp cận chính sách vay vốn, và mức vay đủ chi trả học phí, phí sinh hoạt cơ bản.
“Thực tế, các giải pháp này đã được đề xuất từ lâu và bàn rất nhiều, quan trọng là cần quyết tâm chính trị để thực hiện. Bước đầu có thể sẽ có khó khăn, nhưng phải làm thì mới biết còn vướng ở điểm nào để xử lý. Tôi tin rằng, nếu một trong số các đề xuất kể trên được thực hiện cũng đã tạo ra những thay đổi đáng kể cho bức tranh tài chính giáo dục đại học nước ta hiện nay”, Tiến sĩ Phạm Hiệp bày tỏ.