Giải bài toán tài chính cho các trường đại học đào tạo ngành khoa học cơ bản
- Thứ ba - 25/06/2024 10:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Điều này đã và đang đặt ra cho các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo nhóm ngành khoa học cơ bản những thách thức lớn về vấn đề tài chính để phát triển.
Ngân sách giảm, trường đại học đào tạo ngành khoa học cơ bản gặp khó về tài chính
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khoa học cơ bản là những ngành khoa học nghiên cứu, khám phá quy luật của các sự vật hiện tượng, và tạo ra tri thức mới.
Khoa học cơ bản cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc… Các kết quả nghiên cứu của khoa học cơ bản là tiền đề cho sự phát triển công nghệ và nghiên cứu ứng dụng. Do đó, khoa học cơ bản là nòng cốt, nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước.
“Việc đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản luôn là nền tảng của sự phát triển khoa học và công nghệ của mỗi quốc gia. Cũng chính vì vậy, ở tất cả quốc gia trên thế giới, Nhà nước luôn có sự đầu tư lớn cho việc đào tạo các ngành học này để xây dựng đội ngũ và năng lực nghiên cứu cho quốc gia. Nếu không quan tâm đến khoa học cơ bản, nền tảng cho sự phát triển bền vững sẽ bị ảnh hưởng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan nhận định.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là một cơ sở giáo dục đại học lớn ở phía Nam, có bề dày lịch sử và chuyên đào tạo các ngành khoa học cơ bản. Từ năm 2022, nhà trường bắt đầu tự chủ mức 2 – đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Do đó, khi nhận định về những khó khăn về tài chính của các cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành khoa học cơ bản, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan cho rằng, trên thực tế, các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành khoa học cơ bản trên cả nước đều đang phải đối diện với thực trạng khó khăn trong vấn đề tuyển sinh. Điều đó dẫn đến những khó khăn về tài chính cho các đơn vị này.
“Khó khăn về mặt tài chính là có thật, nhất là trong bối cảnh tự chủ, khi các cơ sở giáo dục phải tự cân đối bài toán thu chi.
Tuy nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định phải cân bằng giữa các ngành có nhu cầu xã hội cao và các ngành phục vụ cho sự phát triển bền vững và lâu dài của đất nước. Cụ thể, phải đảm bảo các điều kiện để duy trì việc đào tạo các ngành khoa học cơ bản.
Do đã chuẩn bị sẵn về lộ trình và kế hoạch trong giai đoạn tự chủ, đồng thời được sự hỗ trợ của các cấp, cơ quan ban ngành,… nhà trường vẫn có thể đảm bảo sự ổn định về mặt tài chính”, cô Lan cho hay.
Là một trong những cơ sở giáo dục đại học đào tạo các ngành khoa học cơ bản, hiện tại, tỷ lệ nguồn thu từ học phí của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chiếm khoảng 60% tổng nguồn thu chung. Bên cạnh đó, đơn vị này vẫn cần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chương trình đào tạo, đặc biệt là các chương trình cử nhân khoa học tài năng, chất lượng cao.
“Trong bối cảnh nguồn thu từ ngân sách nhà nước giảm, nguồn thu từ học phí tăng nhẹ do lộ trình tăng học phí, một số chương trình đào tạo đã được kiểm định và xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, nên tổng nguồn thu của nhà trường không giảm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chi phí đào tạo tăng và mức lương cơ bản tăng khoảng 20% (từ 1/7/2023), việc phải duy trì chất lượng đào tạo tốt, song song với việc tăng lương cho cán bộ theo quy định của Nhà nước là một khó khăn đối với nhà trường.
Việc tăng thu nhập cho cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ để đáp ứng chi phí cuộc sống hiện nay là một bài toán khó đối với trường đặc thù đào tạo khoa học cơ bản. Nhà trường khó có thể tự chủ chi thường xuyên và khó có sự tăng đột biến nguồn thu như một số trường đại học thuộc khối kinh tế, công nghệ đã làm trong thời gian qua”, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Hoàng Linh – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.
Đồng thời, theo Giáo sư Vũ Hoàng Linh, các ngành khoa học cơ bản dù rất quan trọng nhưng không phải là các ngành học hấp dẫn, thu hút người học và không thể thu học phí cao. Điển hình là các ngành Khoa học Trái đất có ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển bền vững của đất nước. Nhưng số lượng người học chỉ ở mức độ vừa phải, chi phí đào tạo cao do phải thực hành, thực tập thực tế. Vậy nên, nếu không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì rất khó duy trì các ngành học này.
Quá trình bước vào tự chủ, nhiều cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các trường đại học công lập gặp không ít khó khăn khi bị cắt giảm ngân sách. Lúc này, nhiều trường chỉ còn “trông chờ” chủ yếu vào nguồn thu từ học phí, bởi các nguồn thu còn lại từ hoạt động hợp tác với doanh nghiệp, hay nguồn tài trợ từ bên ngoài, từ các tổ chức, cá nhân… vẫn còn thấp.
Chia sẻ về thực tế này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thanh Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cho biết: “Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế là trường công lập, chưa tự đảm bảo chi thường xuyên (đang tự chủ ở mức 2 nhóm 3 theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP, tỉ lệ khoảng 30% ngân sách nhà nước, 70% từ nguồn thu của đơn vị).
Bên cạnh đó, kinh phí từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn từ 2021 đến nay đang giảm dần (năm 2021 là 35,2 tỷ đồng; năm 2022 là 34 tỷ đồng; năm 2023 là 32,2 tỷ đồng; năm 2024 là 30,7 tỷ đồng). Vì thế, nguồn thu của đơn vị hiện nay chủ yếu chỉ đến từ học phí.
Từ năm học 2020 – 2021 đến năm học 2022 – 2023, theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, học phí không được điều chỉnh tăng. Điều này dẫn đến nguồn thu của trường rất khó khăn”.
Hiện tại đối với các ngành khoa học cơ bản, đơn vị này đang cố gắng duy trì đội ngũ cán bộ giảng viên, khuyến khích giảng viên tìm kiếm các đề tài nghiên cứu khoa học để thực hiện nhiệm vụ bù vào giờ giảng. Tuy nhiên, vì hạ tầng cơ sở vật chất không được đầu tư nên cũng gây ra những khó khăn trong công tác nghiên cứu khoa học.
Nhà nước cần có chính sách đặc thù đối với các ngành khoa học cơ bản
Mặc dù các ngành khoa học cơ bản đã được Nhà nước ta quan tâm, nhất là trong nghiên cứu với việc hình thành Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (tiếng Anh: National Foundation for Science and Technology Development, viết tắt: NAFOSTED) và các chương trình nghiên cứu trọng điểm;
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã xác định nhiệm vụ và định hướng ưu tiên cho nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng thông qua xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực sau đại học. Tức là các ngành khoa học cơ bản hiện tại cũng đã nhận được sự đầu tư và hỗ trợ nhất định.
Dẫu vậy, ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đặc biệt trong bối cảnh tự chủ hiện nay, việc đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội vẫn gặp nhiều thách thức.
Trong thời gian vừa qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có một số chính sách để hỗ trợ nhóm ngành khoa học cơ bản. Cụ thể, bắt đầu từ năm học 2022 – 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai thí điểm các suất học bổng cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn với gói học bổng gồm: miễn học phí, miễn phí chỗ ở nội trú, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, ưu tiên khi xét các học bổng khác và hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học.
Trong đó, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn có 9 ngành khoa học cơ bản được nhận các suất học bổng là: Hán Nôm, Lịch sử, Triết học, Tôn giáo học, Chính trị học, Nhân học, Việt Nam học, Ngôn ngữ học và Văn học;
Còn 9 ngành khoa học cơ bản được nhận học bổng của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là: Tài năng Toán học, Tài năng Vật lý, Tài năng Hóa học, Tài năng Sinh học, Địa lý tự nhiên, Địa chất học, Tài nguyên và môi trường nước, Hải dương học và Công nghệ kỹ thuật hạt nhân.
Bên cạnh chính sách chung của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cũng có những giải pháp để công tác tuyển sinh ổn định và tăng chất lượng đầu vào các ngành khoa học cơ bản. Đối với các ngành như Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, công tác tuyển sinh vẫn khá tốt cả về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt là các chương trình Cử nhân Khoa học tài năng thu hút được nhiều học sinh giỏi, đam mê khoa học. Tuy nhiên, các ngành thuộc Khoa học Trái đất vẫn khá khó khăn.
Còn với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, trường đã nhận được hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo và nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngân sách nhà nước cho các ngành khoa học cơ bản.
Nguồn ngân sách hỗ trợ này được sử dụng để đầu tư cho các hoạt động giảng dạy và học tập, nghiên cứu khoa học; tư vấn tuyển sinh; các hoạt động chia sẻ, trải nghiệm đưa doanh nghiệp đến với sinh viên và đưa sinh viên đến trực tiếp doanh nghiệp; học bổng để khen thưởng, hỗ trợ sinh viên học tập... cho các ngành khoa học cơ bản để các ngành này có cơ hội tiếp cận dịch vụ hỗ trợ học tập và nghiên cứu ngang bằng với các ngành học khác.
Lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục đại học nhận định chung về bài toán tài chính của các cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành khoa học cơ bản hiện nay là vẫn còn nhiều khó khăn. Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, xã hội còn chưa quan tâm đúng mức đối với các ngành khoa học cơ bản; đặc biệt là “bài toán” việc làm cho sinh viên tốt nghiệp các ngành học này còn nhiều vướng mắc, nên việc tuyển sinh đối với những ngành này cũng rất khó khăn.
Số lượng sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản hiện đang rất thấp; dù điểm chuẩn đầu vào thấp nhưng nhiều ngành còn không có sinh viên theo học, không tương xứng với chất lượng đào tạo ở các cơ sở giáo dục. Chính vì lẽ đó, công tác quảng bá tuyển sinh cũng không đạt được hiệu quả. Sụt giảm nguồn thu, khó khăn về vấn đề tài chính là điều dễ hiểu.
Thứ hai, Nhà nước chưa có sự quan tâm phù hợp về lộ trình thực hiện các chính sách tác động và ưu tiên đầu tư cho đào tạo khoa học cơ bản.
“Tự chủ là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, khi áp dụng chủ trương chung mà chưa có sự quan tâm phù hợp về lộ trình và ưu tiên đầu tư sẽ gây ra thách thức rất lớn đối với các ngành khoa học cơ bản. Bởi trong bối cảnh “tự chủ là tự lo”, các trường cũng phải gia tăng học phí để đảm bảo sự vận hành bình thường của một đơn vị sự nghiệp công lập. Khi các trường không có những chính sách tài chính hỗ trợ kịp thời, việc duy trì các ngành này sẽ rất khó.
Hiện nay, việc đào tạo các ngành khoa học cơ bản chủ yếu là ở các trường công lập. Do vậy, nếu áp dụng chung một chính sách tự chủ đồng đều thì sẽ là bất lợi cho các ngành này trong xu thế cạnh tranh mạnh mẽ hiện nay”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan chia sẻ.
Thứ ba, thiếu nguồn tài trợ và nguồn thu. Các trường đại học, đặc biệt là các trường đào tạo về khoa học cơ bản thường gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn tài trợ từ ngân sách nhà nước và từ các nguồn khác như doanh nghiệp hoặc tổ chức nghiên cứu… Sự phụ thuộc quá mức vào học phí có thể tạo ra áp lực tài chính đối với sinh viên và gia đình.
“Đồng thời, hiện nay không có cơ chế đặc thù hỗ trợ cho các trường đào tạo khối ngành khoa học cơ bản nên việc huy động nguồn lực tài chính từ bên ngoài ngân sách không thể thực hiện được. Các doanh nghiệp, quỹ tài trợ không dám đầu tư nguồn lực vì không có chủ trương và chính sách hỗ trợ, bị ràng buộc pháp lý khó có cơ hội phối hợp triển khai”, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế nêu quan điểm.
Thứ tư, là việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều hạn chế. Việc đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị và phòng thí nghiệm để hỗ trợ giảng dạy, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học cơ bản là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn đầu tư của Nhà nước còn rất hạn chế (có thể nói là không có trong nhiều năm qua). Việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp là không hiệu quả.
Điều này gây ảnh hưởng tới điều kiện học tập, nghiên cứu, không thể phát huy thế mạnh về nghiên cứu của khoa học cơ bản nên không thu hút được sinh viên theo học.
Thứ năm, “bài toán” đảm bảo lương cho đội ngũ giảng viên các ngành khoa học cơ bản là một gánh nặng tài chính cho nhà trường.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thanh Tùng, điều này đến từ việc số lượng sinh viên ít, nên nguồn thu từ học phí để đảm bảo cân đối chi trả lương là không thể.
Đồng thời, cơ chế và chính sách của Nhà nước về tăng lương cơ sở và chờ cấp bù tuy có nhưng không có lộ trình cụ thể. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài, buộc các trường phải cắt giảm rất nhiều chi phí để đảm bảo duy trì lương cho đội ngũ giảng viên.
Ngoài ra, quy định về kéo dài thời gian công tác đối với đội ngũ giảng viên có trình độ học hàm, học vị cao cũng ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính của nhà trường. Lương của cán bộ kéo dài được trả cao nhưng không có nguồn thu cấp bù.
Trước thực trạng này, lãnh đạo các trường đào tạo các ngành khoa học cơ bản mong muốn Nhà nước cần có sự đánh giá cụ thể, xét đến đặc thù ngành học để có giải pháp phù hợp, tránh vì tự chủ theo hướng để cho thị trường tự điều tiết sẽ làm tổn thương đến các ngành khoa học cơ bản.
Giáo sư Vũ Hoàng Linh cho rằng: “Nhà nước nên có sự cân đối trong việc đầu tư. Không cần thiết phải giảm bớt đầu tư cho các ngành nghề khác, nhưng cần xác định một danh mục ngành nghề được Nhà nước tiếp tục đầu tư, hỗ trợ như khoa học cơ bản, một số ngành công nghệ mũi nhọn, sư phạm, sức khỏe,… (bên cạnh quốc phòng, an ninh). Điều này nhằm duy trì sự phát triển bền vững của các ngành khoa học cơ bản”.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần bổ sung thêm sự hỗ trợ về mặt chính sách, ví dụ như chính sách miễn giảm học phí qua cơ chế đặt hàng như đang làm đối với khối ngành sư phạm, tăng đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản; chính sách tín dụng cho sinh viên cần được điều chỉnh để mọi sinh viên đều có thể được đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục, vì hiện nay vay qua ngân hàng chính sách xã hội nhưng điều kiện vay, bảo lãnh, thời gian vay, hỗ trợ lãi suất hiện cũng có nhiều bất cập...