Tiến sĩ Võ Xuân Hoài nêu thách thức và “chìa khóa” phát triển nhân lực bán dẫn
- Thứ hai - 24/06/2024 23:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2024 ban hành Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 .
Theo đề án này, từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ USD để đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc đào tạo đội ngũ nhân lực bán dẫn này sẽ gián tiếp tạo nguồn thu khoảng 15-16 tỷ USD cho nền kinh tế.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã có những chia sẻ về nhiệm vụ của đề án và một số “chìa khóa” then chốt để đào tạo hiệu quả cả về số lượng lẫn chất lượng đối với nhân lực ngành bán dẫn.
Đủ điều kiện, năng lực đào tạo, song, về chất lượng còn khoảng cách lớn giữa cung và cầu
Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Võ Xuân Hoài, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia là cơ quan trực tiếp soạn thảo đề án đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn, đến nay, trung tâm đã chuẩn bị những gì để thực hiện mục tiêu đề ra?
Tiến sĩ Võ Xuân Hoài: Theo chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đã phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai hai nhóm công việc chính.
Một là, xây dựng đề án phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng 2050.
Hai là, triển khai các hoạt động kết nối đối tác trong và ngoài nước để hỗ trợ các trường đại học, cơ sở đào tạo tại Việt Nam phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn.
Từ tháng 9/2023, trong chuyến công tác của Thủ tướng tại Mỹ, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đã ký hợp tác với Synosys và Cadence - hai tập đoàn cung cấp phần mềm thiết kế chip lớn nhất trên thế giới.
Thông qua hợp tác này, NIC cung cấp lại các bản quyền phần mềm cho các trường đại học trong nước để họ có cơ sở, nguồn lực sử dụng trong quá trình đào tạo.
Đồng thời, NIC cũng ký kết hợp tác với Đại học bang Arizona - trường đào tạo về ngành chip bán dẫn lớn nhất trên thế giới - để xây dựng các chương trình đào tạo, tận dụng các nguồn lực mà Chính phủ Mỹ hỗ trợ Việt Nam để triển khai các chương trình đào tạo.
Cụ thể hoá các hoạt động hợp tác thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong Tuyên bố chung và Thoả thuận ghi nhớ hợp tác (MOC) giữa Việt Nam - Hoa Kỳ.
Hợp tác với Tập đoàn Siemens để nhận tài trợ 950 bản quyền phần mềm Siemens EDA (tập đoàn đứng thứ 3 thế giới về công cụ thiết kế vi mạch sau Cadence và Synopsys) để hỗ trợ công cụ thiết kế và chuyển giao chương trình đào tạo cho 20 trường đại học tại Việt Nam.
Trong tháng 3 và 4/2024, Trung tâm đã phối hợp với 02 tập đoàn lớn nhất thế giới trong lĩnh vực đo kiểm chip bán dẫn là Keysight và Tektronix để tổ chức các hội thảo giới thiệu công nghệ cho các doanh nghiệp, viện, trường. Trung tâm đang trao đổi để tiến tới ký kết hợp tác thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và đào tạo về đo kiểm vi mạch cũng như 2 doanh nghiệp sẽ tài trợ, hỗ trợ, tư vấn các thiết bị tại Trung tâm bán dẫn dùng chung tại cơ sở Hòa Lạc và Hà Nội.
Phối hợp với Coherent để xây dựng trung tâm R&D, đào tạo và trình diễn công nghệ của Coherent tại NIC Hoà Lạc.
Phối hợp với Cadence, FPT và các chuyên gia từ Silicon Valley trong tổ chức Tresemi để cấp 90 học bổng cho lớp đào tạo nâng cao về thiết kế vi mạch từ tháng 02-6/2024 cho sinh viên tại 3 khu vực: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, các bên đang tiếp tục phối hợp để xây dựng trung tâm đào tạo, nghiên cứu vi mạch tại NIC Hà Nội.
Tháng 4/2024, Trung tâm đã ký kết hợp tác và phối hợp với Đại học Dương Minh Giao Thông (NYCU) để cấp 60 học bổng thạc sĩ bán dẫn cho sinh viên Việt Nam theo học tại Học viện bán dẫn của NYCU. Tại đợt phỏng vấn đầu tiên vào tháng 4/2024, các ứng viên được tuyển lựa đa số đến từ các sinh viên đã được cấp học bổng đào tạo nâng cao với Cadence và FPT, hoặc sinh viên từ các trường đại học lớn như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Làm việc với Hiệp hội ngành công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ và Hiệp hội bán dẫn (SEMI) để hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp FDI tham gia đầu tư, hỗ trợ Việt Nam và tổ chức các hội nghị hội thảo chung tại Việt Nam, Hàn Quốc, Malaysia, Hoa Kỳ…
Phóng viên: Nắm bắt xu thế, năm 2024, nhiều trường đại học đã tham gia vào công tác đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, có chuyên gia cũng lo ngại chuyện “trăm hoa đua nở” sẽ không thực sự đảm bảo chất lượng. Ông có chia sẻ và lưu ý gì về vấn đề này, thưa ông?
Tiến sĩ Võ Xuân Hoài: Theo suy nghĩ của tôi, việc nhiều trường đại học tham gia vào công tác đào tạo cho thấy dấu hiệu tốt, cho thấy ngành công nghiệp bán dẫn đang được quan tâm và có nhiều tiềm năng phát triển. Và càng nhiều trường cùng tham gia, thì chúng ta sẽ có thể kết nối và liên kết nhiều nguồn tài nguyên, nhân lực, vật lực để thúc đẩy cho ngành phát triển hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, việc kết hợp như nào và kết hợp ra sao cho hiệu quả để đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội cả về lượng và chất cũng là “bài toán” mà các bên Nhà nước - Viện nghiên cứu, trường đại học - Doanh nghiệp đang từng bước làm việc để tìm được cách thức phù hợp nhất với nước ta. Các lãnh đạo cũng đã sang các nước phát triển công nghiệp bán dẫn để học hỏi kinh nghiệm mô hình của họ.
Hiện, NIC cũng có liên kết với các doanh nghiệp lớn và các trường trong và ngoài nước để xây dựng các chương trình đào tạo bài bản, sát với yêu cầu thực tiễn, đảm bảo cả về chất lượng và số lượng, cũng như đảm bảo đầu ra cho các sinh viên.
Phóng viên: Trong một Hội thảo về thực trạng, giải pháp nguồn lao động ngành công nghiệp bán dẫn, ông có nêu: “Chương trình đào tạo hiện nay chưa nhất quán, chưa chuẩn quốc tế do ngành bán dẫn mới, cần tăng cường phối hợp các bên”. Xin ông cho biết rõ hơn về thực trạng trên.
Tiến sĩ Võ Xuân Hoài: Về thực trạng: Theo khảo sát năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đủ điều kiện và năng lực để đào tạo khoảng 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tuy nhiên, về chất lượng vẫn tồn tại khoảng cách lớn giữa cung và cầu.
Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo về các ngành công nghệ kỹ thuật. Đồng thời, mỗi năm Việt Nam có khoảng 134.000 sinh viên đầu vào ngành kỹ thuật. Tuy nhiên, tỉ lệ sinh viên theo học các ngành STEM vẫn còn thấp so với nhiều nước trên thế giới. Cụ thể, số sinh viên lĩnh vực STEM đạt khoảng 55 người/vạn dân, chưa bằng một nửa so với Hàn Quốc và Phần Lan. So với Singapore, Israel, Đức, tỉ lệ này cũng thấp hơn đáng kể. Nếu tính trên tổng số sinh viên, tỉ lệ theo lĩnh vực STEM gần đây khoảng 27-29% (khoảng 560.000 - 600.000 người). Trong khi tỉ lệ này ở Singapore và Malaysia là 46% và 50%, Hàn Quốc, Phần Lan, Đức dao động 35-39%. Nếu tính riêng các ngành Khoa học tự nhiên và Toán, tỉ lệ chỉ đạt xấp xỉ 1,5%, bằng 1/3-1/5 của Phần Lan, Hàn Quốc, Singapore và Đức.
Bởi, ngành công nghiệp bán dẫn là một ngành khó, đòi hỏi kiến thức vừa tổng hợp, vừa chuyên sâu nên tỉ lệ sinh viên bỏ dở giữa chừng cũng cao hơn so với các ngành còn lại. Bên cạnh đó, so với các ngành làm về phần mềm thì sinh viên ngành công nghiệp bán dẫn cần nhiều thời gian hơn để có thể đáp ứng yêu cầu công việc thực tế. Đồng thời, thu nhập khởi điểm của sinh viên mới ra trường vẫn còn thua kém so với một số ngành kỹ thuật khác (mặc dù thu nhập tăng cao về sau, tỉ lệ thuận theo số năm kinh nghiệm).
Ngoài ra, về vấn đề năng lực và quy mô đào tạo tại các cơ sở đào tạo, Việt Nam đang phải đối mặt với một số khó khăn như sau:
Thứ nhất, việc đào tạo chính quy về chuyên ngành vi mạch - bán dẫn ở Việt Nam vẫn nhiều hạn chế. Về chương trình đào tạo, danh mục đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện chưa có chuyên ngành riêng cho bán dẫn. Ngành này vẫn được xem là chuyên ngành hẹp trong nhóm Kỹ thuật điện - điện tử hoặc Kỹ thuật máy tính nên kiến thức giảng dạy ở các ngành và các trường cũng chưa có sự đồng bộ, chuẩn hóa bài bản
Thứ hai, về giảng viên và chuyên gia đào tạo, các viện - trường thiếu lượng lớn giảng viên và chuyên gia đào tạo có kiến thức và kỹ năng chuyên môn về vi mạch hoặc là có giảng viên nhưng chưa được đào tạo sâu, chưa được cập nhật liên tục về các xu hướng, công nghệ mới trong ngành
Thứ tư, về nguồn ngân sách tài trợ cho các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn còn rất khiêm tốn. Hạn chế về nguồn ngân sách cho lĩnh vực này đặt ra một thách thức trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và chương trình đào tạo để theo kịp xu hướng phát triển của ngành.
“Chìa khóa” then chốt phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn
Phóng viên: Vậy, để giải “bài toán” này, cần những kế hoạch, giải pháp cụ thể ra sao? Trong đó, đâu là “chìa khóa” then chốt, thưa ông?
Tiến sĩ Võ Xuân Hoài: Ngành công nghiệp bán dẫn là một ngành phức tạp nhiều công đoạn. Do tính chất đặc thù, việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nói chung, nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn nói riêng không thể đạt được hiệu quả cao nếu thực hiện một cách độc lập, đơn lẻ.
Như trong đề án cũng đã đề cập: “Đào tạo phải dựa trên việc hợp tác 3 bên: Nhà nước - Viện nghiên cứu, trường đại học - Doanh nghiệp, cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn việc học đi đôi với thực hành và đảm bảo đầu ra cho các học viên có thể làm việc cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.”
Từ đó, có thể thấy kết nối, hợp tác giữa các bên là “chìa khóa” then chốt là nhân tố thiết yếu vai trò quan trọng, xuyên suốt trong quá trình phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Phóng viên: Trước lo ngại “việc đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn, đề án có tính tới việc đảm bảo làm đúng ngành nghề sau khi ra trường?”, cũng có ý kiến cho rằng, cần có sự liên kết với các công ty công nghệ, để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như đảm bảo tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành nghề. Ông có quan điểm thế nào đối với ý kiến trên, thưa ông?
Tiến sĩ Võ Xuân Hoài: Tôi nhất trí với ý kiến trên vì các công ty và doanh nghiệp chính là những nhân tố chính hoạt động trên thị trường. Muốn nguồn nhân lực chất lượng cao đào tạo ra phát huy hết được năng lực, phù hợp với thực tế thì việc kết nối với các doanh nghiệp là quan trọng. Vì doanh nghiệp chính là đầu ra của thị trường, doanh nghiệp cũng chính là thước đo rõ ràng nhất phản ánh năng lực của nguồn nhân lực được đào tạo ra.
Kết nối với của doanh nghiệp chính là tìm ra nhu cầu thực tế, từ đó xây dựng được chương trình đào tạo phù hợp giúp sinh viên bước đầu có những nền tảng và kinh nghiệm về ngành nghề. Đồng thời, giúp cho sinh viên tiếp cận được nhiều hơn những cơ hội và nguồn tuyển dụng khi ra trường.
Chính vì thế, hiện tại, NIC cũng đang tích cực, từng bước kết nối và phối hợp với các trường và các doanh nghiệp trong và ngoài nước triển khai những chương trình cấp học bổng cho sinh viên, những khóa đào tạo ngắn và dài hạn góp phần hiện thực hóa mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn.
Phóng viên: Xin ông cho biết, đâu là những khó khăn, thách thức đối với đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn trong những năm tới?
Tiến sĩ Võ Xuân Hoài: Việt Nam đang đối mặt với một loạt thách thức đáng kể về đặc thù ngành, chi phí đầu tư lớn, chương trình phối hợp giữa viện - trường và doanh nghiệp, chương trình đào tạo chưa nhất quán và chưa được cập nhật, gây khó khăn trong việc phát triển bền vững ngành công nghiệp bán dẫn.
Thứ nhất, khó thu hút nhân tài do tính chất và yêu cầu đặc thù của ngành. Ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi kiến thức chuyên sâu và kỹ năng kỹ thuật xuyên suốt nhiều công đoạn phức tạp. Khả năng thu hút và duy trì nhân tài có khả năng làm việc trong lĩnh vực này đang gặp rất nhiều khó khăn do tính kỷ luật cao và nhu cầu về sự chuyên sâu. Nghiên cứu khảo sát của Deloitte US Prestige cho biết chuyên gia kỹ thuật trong ngành công nghiệp bán dẫn nằm trong số những vị trí việc làm khó tuyển dụng nhất, bao gồm các kỹ sư điện, khoa học máy tính, kỹ sư phần mềm, cơ khí, máy tính, hệ thống và khoa học vật liệu, kỹ thuật hóa học. Ngoài ra, khảo sát của Deloitte-SEMI cho thấy đang thiếu ứng viên đủ tiêu chuẩn về kỹ năng chuyên môn.
Thứ hai, việc đào tạo kỹ sư trong ngành công nghiệp bán dẫn yêu cầu khoản đầu tư lớn từ cả phía chính phủ, viện trường và doanh nghiệp. Chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cao và còn nhiều vướng mắc trong quá trình đầu tư, mua sắm. Tại các viện - trường, chi phí cho việc sử dụng phần mềm thiết kế vi mạch bản quyền, hệ thống máy chủ, và các thiết bị phần cứng phục vụ việc đào tạo là rào cản lớn trong tiếp cận giáo dục. Tại doanh nghiệp, việc đào tạo kỹ sư mới ra trường cần khoảng tối thiểu khoảng thời gian là 6 tháng đào tạo và làm việc kèm với kỹ sư kinh nghiệm trong công ty trước khi nhân sự đem lại giá trị cho công ty. Chi phí cơ hội khi doanh nghiệp trả lương cho kỹ sư mới và chi phí đào tạo từ thời gian làm việc của các kỹ sư kinh nghiệm tạo ra rào cản trong việc thuê kỹ sư mới.
Thứ ba, chương trình đào tạo đại học không nhất quán và chưa đạt chuẩn quốc tế so với sự phát triển của công nghệ bán dẫn. Sự phát triển liên tục trong công nghệ bán dẫn đòi hỏi chương trình đào tạo phải được quốc tế hóa, cập nhật liên tục để đảm bảo rằng những kiến thức mới nhất được truyền đạt đến học viên. Bên cạnh đó, số lượng giảng viên để đào tạo ngành bán dẫn thiếu cũng là một trong những thách thức của ngành.
Phóng viên: Việc đầu tư nâng cấp hạ tầng, đào tạo nhân lực ngành bán dẫn rất lớn, đề án có tính tới nguồn lực cho vấn đề này không, thưa ông?
Tiến sĩ Võ Xuân Hoài: Phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đang được Chính phủ Việt Nam xác định là một trong những “mũi nhọn” để đưa nước ta trở thành nước thu nhập trung bình cao.
Trong Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, tại các nhóm nhiệm vụ giải pháp, cũng đã có những phương hướng để đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng góp phần hoàn thành mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030.
Cụ thể là: Trên cơ sở hợp tác công - tư, hình thành tối thiểu 01 trung tâm đào tạo về thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn tại mỗi viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo, cơ sở đào tạo, cơ sở hỗ trợ đào tạo đảm bảo phục vụ cho nhu cầu đào tạo của đơn vị.
Ngân sách nhà nước đầu tư, xây dựng để hình thành ít nhất 04 trung tâm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia với các trang thiết bị phù hợp, theo tiêu chuẩn quốc tế tại các đại học quốc gia, đại học vùng ở 03 miền Bắc, Trung, Nam và tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Các trung tâm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia có nhiệm vụ hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn và các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có thể đăng ký sử dụng chung.
Ngoài 04 trung tâm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia, ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, bản quyền phần mềm hình thành các trung tâm đào tạo bán dẫn tiêu chuẩn ở mức cơ bản tại khoảng 20 trường đại học ở 03 miền Bắc, Trung, Nam.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có kế hoạch huy động nguồn lực xã hội hoá từ các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn đang hoạt động tại Việt Nam để cấp học bổng cho các học viên học tại các cơ sở đào tạo của NIC và một số sinh viên xuất sắc ở các trường đại học.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!